8X Dám 'Thay Đổi' Google Vì Người Việt

“Một lần tôi thấy cha mẹ mình không thể gõ tiếng Việt trên smartphone, do lúc đó hệ điều hành Android không có bàn phím tiếng Việt, ai muốn dùng phải tải phần mềm về smartphone rồi tự cài đặt, khá rắc rối”.

Nguyễn Đặng Việt Anh (phải) trong một buổi tán gẫu cùng đồng nghiệp nước ngoài - Ảnh: Đ.N.

Việt Anh là đại diện của một thế hệ trẻ mà quốc gia nào cũng mong có được. Giáo sư STEPHEN INTILLE

---Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT---

Đó là lý do mà chàng trai 30 tuổi gốc Hà Nội, sinh sống ở Hoa Kỳ đã lâu, thiết kế bộ gõ tiếng Việt Gboard chạy trên smartphone có hệ điều hành Android mà hàng triệu người đang sử dụng. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Nguyễn Đặng Việt Anh cho biết:

- Một lần tôi thấy cha mẹ mình không thể gõ tiếng Việt trên smartphone, do lúc đó hệ điều hành Android không có bàn phím tiếng Việt, ai muốn dùng phải tải phần mềm về smartphone rồi tự cài đặt khá rắc rối.

Tôi liên lạc trực tiếp với phó giám đốc của Google để thuyết phục công ty phải suy nghĩ nhiều hơn về người dùng Việt.

Lúc đó tôi bị phản đối nhiều lắm, nhưng tôi đã kiên trì thuyết phục để cuối cùng nhận được cái gật đầu từ họ. Do có động lực rõ rệt, tôi làm việc với năng suất 120% mà không thấy mệt mỏi.

Trong một năm rưỡi tôi cùng anh Nguyễn Anh Tuấn - một đồng nghiệp người Việt ở Google - cặm cụi làm để cho ra "Bộ gõ tiếng Việt Gboard", giúp việc gõ tiếng Việt dễ dàng và có sẵn trên hàng tỉ thiết bị smartphone dùng hệ điều hành Android.

Giờ đây cứ mở điện thoại ra, cha mẹ tôi có thể gõ tiếng Việt và thậm chí còn có thể gõ tiếng Việt bằng giọng nói.

* Để tồn tại và thăng tiến tại Google, theo bạn, điều quan trọng là gì?


- Làm ở Google có nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo, chẳng hạn như bất cứ dòng mã lệnh của người này cũng cần phải có ít nhất một nhân viên khác đọc và duyệt thì mới được vào hệ thống. Hãy tưởng tượng tôi viết một thay đổi nhỏ tầm 20 dòng mà cần để cả nhóm vào nhận xét, "đôi co" đến chục lần mới được thông qua.

Cũng may trong bảng nhận xét năng lực, đồng nghiệp viết về tôi: "Việt Anh học rất nhanh, làm được việc nhưng đôi khi hỏi hơi nhiều" (cười).

Bài học của tôi là "đừng tự ti". Google từng chạy một dự án nghiên cứu về văn hóa công việc. Khám phá ngạc nhiên nhất là rất nhiều nhân viên (kể cả thành viên ban lãnh đạo) dù tài giỏi đến đâu đều có lúc cảm thấy tự ti, thấy bản thân không xứng đáng với vị trí đang ngồi.

Khi được hỏi kỹ, mọi người chia sẻ là trong Google có quá nhiều người giỏi, dù làm thế nào cũng sẽ có người giỏi hơn. Nhiều người vì áp lực đó mà lao vào công việc để chứng tỏ bản thân, để rồi khi kết quả không như ý muốn thì họ vừa cảm thấy căng thẳng vừa cảm giác thua cuộc.

Để tồn tại tốt, tôi nghĩ không nên so sánh bản thân với người khác. Chỉ nên lấy người khác để làm tấm gương học tập, truyền cảm hứng.

* Liệu các bạn trẻ tốt nghiệp đại học từ Việt Nam có cơ hội vào trụ sở chính của Google ở Mỹ?

- Theo tôi là hoàn toàn có thể. Nhưng chúng ta cần phải biết rõ thế mạnh bản thân và tìm hiểu kỹ có những cơ hội gì ở đây. Ngoài cơ hội làm lập trình viên thì ở Google còn có rất nhiều mảng khác như marketing, nghiên cứu thí nghiệm, phân tích nhà đất, quản lý cộng đồng.

Riêng trong ngành UX (viết tắt của User Experience - trải nghiệm người dùng) của tôi cũng đã có đến chín vị trí khác nhau: thiết kế tương tác (làm các thứ dễ dùng hơn), thiết kế mỹ thuật (làm các thứ hấp dẫn hơn), thiết kế nội dung (làm các thứ dễ hiểu hơn), kỹ sư thiết kế (biến thiết kế thành sự thật), nghiên cứu người dùng (thiết kế đúng người, đúng đối tượng hơn), quản lý quy trình thiết kế (giúp tất cả dung hòa với nhau)...

* Bạn đang rất tâm huyết với việc truyền đạt lại kiến thức lĩnh vực UX. Vì sao bạn làm điều này?

- UX hiểu nôm na là làm cho công nghệ thân thiện, dễ dùng hơn cho mọi người. Tôi theo đuổi ngành UX vì nhận ra công nghệ càng phát triển thì càng có khuynh hướng phức tạp, rối rắm. Vì vậy mỗi cái smartphone đều có đến hàng trăm chức năng mà phần lớn người dùng chỉ biết dùng một vài cái.

Tôi mong muốn truyền đạt UX một cách dễ hiểu nhất với giới trẻ Việt. Tôi đã dồn rất nhiều kinh nghiệm và câu chuyện làm sản phẩm của mình ở Google, Microsoft, MIT, IBM... vào những bài viết "đơn giản hóa tối đa kiến thức" ở trang blog www.uxlagi.com.

Một ước muốn nữa của tôi là giúp những người lớn tuổi như cha mẹ và bà tôi được hưởng thụ tất cả những gì công nghệ đem lại.

Được cả ba "ông lớn" Facebook, Google, Microsoft chọn

Nguyễn Đặng Việt Anh tốt nghiệp cao học khoa học máy tính tại "chiếc nôi công nghệ thế giới" MIT (Hoa Kỳ) với học bổng toàn phần 200.000 USD. Vào năm 2011, Việt Anh được Facebook, Google, Microsoft nhận vào làm việc.

Chọn đầu quân vào Google, Việt Anh hiện là chuyên viên của tập đoàn này tại trụ sở chính ở Thung lũng Silicon. Bạn cũng từng có cơ hội trình bày trực tiếp với cả CEO Bill Gates của Microsoft và CEO Larry Page của Google về các dự án do bạn khởi xướng và dẫn dắt đem ra thị trường.

Theo: Tuổi Trẻ
Hung Nguyen

Tôi là 1 amateur blogger. Tôi lập blog này để viết mọi thứ về Google. facebook

Post a Comment

Previous Post Next Post