Yahoo bắt tay với Google, thương thảo Micro-hoo đổ vỡ

Vòng đàm phán thứ hai giữa hai gã khổng lồ Microsoft và Yahoo đã chính thức đi vào ngõ cụt ngày hôm qua, khi Yahoo đồng ý cho đối thủ Google bán quảng cáo tìm kiếm trên một phần diện tích mặt site của mình.

Bán tháo Yahoo
Các tuyên bố độc lập từ cả Microsoft lẫn Yahoo đều báo hiệu một sự đổ vỡ và bất đồng thực sự trong quan điểm, bất chấp hàng tháng trời trao qua đổi lại.

Ngay lập tức, giá cổ phiếu Yahoo đã giảm tới 10%, khi mà niềm hy vọng cuối cùng của giới đầu tư về một vụ sáp nhập (toàn phần hoặc từng phần) bị dập tắt hoàn toàn.

Tất nhiên, việc cổ phiếu bị bán tháo chẳng khiến công ty nào vui vẻ, song phản ứng dữ dội từ phố Wall diễn ra đúng vào thời điểm cực kỳ bất lợi với Yahoo nói chung và Ban giám đốc của hãng nói riêng.

Jerry Yang đang gồng mình chống lại một chiến dịch "nổi loạn" và "lật đổ" do Carl Icahn phát động, uy tín của ông trong lòng nhân viên lại đang sụt giảm một cách thê thảm.

Nhiều cổ đông đã đâm đơn kiện Yang và Ban giám đốc vì tội "diễn kịch trước dư luận", "vì tình cảm cá nhân mà phớt lờ quyền lợi chung"...

Bản thân kế hoạch phục hồi Yahoo "tuyệt đẹp" do Yang vẽ ra cũng chưa đem lại kết quả nào hữu hình.

"Nếu bạn là một cổ đông Yahoo, bạn chỉ có nước vò đầu bứt tai tại thời điểm này mà thôi", chuyên gia chứng khoán Scott Kessler của Standard and Poor bình luận.

Hoàn toàn trái ngược, giá cổ phiếu Microsoft lại tăng tới 4%. Không ít cổ đông đàu thở phào nhẹ nhõm khi gã khổng lồ phần mềm không phải trả một mức giá quá cao cho một bản hợp đồng bị giới phân tích đánh giá là mạo hiểm.

Với họ, dường như điều đó còn không đáng sợ và không tồi tệ bằng việc Microsoft sắp phải đối mặt với chuyện hai đối thủ lớn nhất (Yahoo, Google) liên minh với nhau.

Bắt tay Google

Đêm qua, đại diện Yahoo xác nhận sẽ cho phép Google hiển thị quảng cáo tìm kiếm trên mặt site của mình.

Yahoo hy vọng cơ hội hợp tác này sẽ mang về doanh thu lên tới 800 triệu USD ngay trong năm đầu tiên, đồng thời gia tăng dòng tiền lưu động lên gần gấp đôi, từ 250 triệu lên 450 triệu USD.

Theo như thỏa thuận mà Google và Yahoo đạt được, hai hãng tìm kiếm lớn nhất, nhì thế giới sẽ tổ chức đấu giá và chỉ hiển thị quảng cáo nào chịu trả tiền nhiều nhất.

"Yahoo giống như một siêu thị nhận hàng đầu mối do Google cung cấp. Hợp đồng này có thể kéo dài rất lâu, tùy thuộc vào mức độ hiệu quả kinh doanh của Google", nhà phân tích Martin Pyykkonen của Quỹ Global Crown Capital dự đoán.

Toàn bộ quy trình này mang tính phi độc quyền, có nghĩa là ngoài Google, các hãng khác cũng có thể tham gia đấu thầu để đăng tải quảng cáo.

Đây được coi là chiêu "lách luật" để hợp đồng này dễ dàng vượt qua cửa ải "Chống độc quyền" hơn.

Tuy nhiên, Yahoo và Google sẽ phải chờ tới ba tháng rưỡi nữa mới nhận được phê chuẩn chính thức của cơ quan Tư pháp.

Mặc dù vậy, ngay từ lúc này, nhiều người đã thấp thỏm lo ngại về việc hai doanh nghiệp quảng cáo tìm kiếm hàng đầu sắp kết hợp với nhau.

Thượng nghị sĩ Herb Kohn, Chủ tịch Ủy ban chống độc quyền của Thượng viện, cho biết các luật sư đang "kiểm tra và mổ xẻ kỹ càng" kế hoạch này.

Về phần mình, Giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google so sánh chuyện hợp tác với Yahoo cũng "giống như ở các lĩnh vực khác, khi hai đối thủ vừa cạnh tranh lại vừa bắt tay với nhau".

"Quyết định hiển thị quảng cáo thuộc về Yahoo, chứ không phải của Google", Schmidt nói.

Việc quay sang Google dường như là nước cờ duy nhất có thể giúp Yang lúc này. Yang đang cần một bệ đỡ, một cột chống sau khi "liều lĩnh" từ chối thịnh tình của Microsoft.

Tất cả lợi ích của Yahoo chỉ mới nằm trên giấy và trong "hy vọng", song trường hợp của Google thì khác hẳn.

Gã khổng lồ tìm kiếm đã đạt được ý đồ của mình: ngăn không cho Yahoo rơi vào vòng tay của đối thủ Microsoft.

Không có gì ngạc nhiên khi giá cổ phiếu Google tăng mạnh ngay sau thông tin thương thảo Micro-hoo đổ vỡ.

"Tôi rất vui vì đã giúp họ (Yahoo) duy trì sự tồn tại độc lập", đồng sáng lập Google Sergey Brin nói.

Microsoft thì sao?

Theo một nguồn tin thân cận với vụ việc, một lần nữa, Yahoo lại thẳng thừng từ chối lời đề nghị mới nhất của Mỉcrosoft.

Nội dung của lời đề nghị này chưa một lần được công bố chính thức, nhưng có vẻ như Microsoft muốn mua lại 16% cổ phần Yahoo với giá 35 USD/cổ phiếu.

Đồng thời, Microsoft cũng đòi mua lại toàn bộ bộ phận kinh doanh tìm kiếm của Yahoo.

Phía Yahoo cho rằng lời đề nghị mua riêng bộ phận tìm kiếm không "phù hợp với kế hoạch phát triển quảng cáo tìm kiếm và ảnh động" toàn diện của hãng.

Chính vì thế, kể cả khi mức giá "chốt hạ" đã lên tới 35 USD, cao hơn 2 USD so với lời đề nghị do chính Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft đưa ra hôm 1/5, Yahoo vẫn cứ lắc đầu quầy quậy.

Microsoft đã từng kỳ vọng rằng một thỏa thuận liên minh với Yahoo sẽ giúp tăng tốc cho hoạt động kinh doanh tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến của hãng, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và vươn lên thách thức đại địch Google.

Tuy nhiên, sau nhiều lần nản lòng vì thái độ cứng đầu từ ban giám đốc Yahoo, Microsoft đã nói thẳng là "không còn hứng thú với việc thâu tóm toàn bộ Yahoo" nữa.
Thay vào đó, hãng sẽ chỉ mua lại một phần Yahoo mà thôi.

Bình luận về tình thế của Microsoft hiện nay, chuyên gia Jeffrey Lindsay của Stanford Bernstein tỏ ra khá bi quan.

"Về mặt chiến lược, Google đã giành được một chiến thắng cực kỳ quan trọng. Rất có thể động thái mới này sẽ đẩy Microsoft tới chỗ buộc phải rút khỏi thị trường online.

Chắc chắn diễn biến mới nhất sẽ không làm cho các cổ đông lớn của Yahoo hài lòng.

Nhất là nhà tỷ phú Carl Icahn, người liên tục gây sức ép buộc Ban giám đốc Yahoo phải nối lại đàm phán và ký kết thỏa thuận với Microsoft.

Icahn thậm chí còn công khai kêu gọi các cổ đông Yahoo "hất cẳng" Giám đốc điều hành Jerry Yang trong cuộc họp cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 1/8 tới đây.

Đoạn kết?

Đa số giới phân tích tin rằng Yahoo và Microsoft khó lòng đàm phán với nhau thêm một vòng nào nữa.

"Dường như tất cả đã kết thúc", chuyên gia Derek Brown của Cantor Fitzgerald nhận định. "Quan điểm của hai bên về một thỏa thuận hợp tác, về tương lai... hoàn toàn khác biệt và không gặp nhau ở bất cứ điểm nào cả".

Có thể Microsoft sẽ sớm vạch ra các kế hoạch sáp nhập khác khả thi hơn, bởi lẽ hãng không thể từ bỏ mục tiêu tham vọng về quảng cáo trực tuyến của mình.

"Microsoft sẽ tiếp tục thử, và tiếp tục hy vọng. Yahoo là một trong những website nổi tiếng nhất mạng web, với lượng truy cập khó so bì được. Nhưng AOL cũng có thể là một khả năng.

Quan trọng nhất, AOL không quá đắt", chuyên gia Toan Tran của Morningstar gợi ý.

Hiện tại, nhà tỷ phú Icahn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về việc Yahoo "đá" Microsoft, bắt tay với Google.

Tuần trước, trong một lá thư gửi cho Ban giám đốc Yahoo, Icahn đã gợi ý Yahoo nên bán mình với giá 49,7 tỷ USD, tương đương với mức giá 34,275 USD/cổ phiếu - thấp hơn cả lời đề nghị cuối cùng của Microsoft.

Quan điểm của Icahn từ trước tới sau luôn là: Bắt tay với Google chỉ nên dừng lại ở Kế hoạch B mà thôi.

Hiện tại, cổ phiếu Yahoo chỉ đang giao dịch ở mức 22,5 USD/cổ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 31/1 trở lại đây. (31/1 là ngày Microsoft công khai ngỏ lời mua lại Yahoo).

Trong trường hợp Icahn chiến thắng tại cuộc họp cổ đông 1/8 và hạ bệ được ban giám đốc Yahoo hiện hành, ông ta có thể sẽ nối lại đàm phán với Microsoft.

Khi ấy, Yahoo chỉ việc bồi thường cho Google 250 triệu USD để thoát khỏi mọi ràng buộc về "hợp tác đăng tải quảng cáo".

Tuy bắt tay với Google có thể cải thiện lợi nhuận ngắn hạn cho Yahoo, song nhiều chuyên gia tin rằng đây là hành động "lợi bất cập hại", tham bát bỏ mâm.

Về lâu dài, Yahoo sẽ tự làm tổn thương chính mình. "Nhường đất cho một đối thủ đã quá mạnh như Google không khác gì tự đào hố chôn sống mình".
Theo: Vietnamnet, Reuters, AP

Hung Nguyen

Tôi là 1 amateur blogger. Tôi lập blog này để viết mọi thứ về Google. facebook

Post a Comment

Previous Post Next Post